Quân sự Nhà_Minh

Thời kỳ đầu và giữa

Hỏa thương thủ của Thần cơ doanh triều Minh.

Sau khi lập quốc, Minh Thái Tổ thấy rằng người Mông Cổ vẫn là một mối đe dọa thường trực cho Trung Hoa. Nhà vua quyết định đánh giá lại quan điểm giai cấp võ nhân luôn phải ở mức độ kém hơn giai cấp văn nhân bắt nguồn từ thời nhà Tống. Minh Thái Tổ cho giữ vững một đội quân hùng mạnh mà vào năm 1384, nhà vua đã tổ chức lại theo hệ thống "vệ sở". Mỗi đơn vị quân sự bao gồm 5.600 người được chia vào 5 sở và 10 binh đoàn. Đến năm 1393, tổng quân số vệ sở đã đạt đến 1.200.000 người. Quân lính được phân phát đất đai để trồng trọt và chức vụ được thế tập. Loại hình vệ sở có thể được truy ngược lại chế độ phủ binh của thời TùyĐường.

Nguồn gốc ban đầu của quân đội triều Minh, gồm có các binh sĩ vốn có, gọi là tòng chinh, có binh sĩ triều Nguyên và binh sĩ quần hùng quy phụ, có người hoạch tội đày ải, song nguồn chủ yếu nhất là tuyển theo hộ tịch, cũng tức là 'đóa tập quân'. Ngoài ra, còn có các phương thức giản bạt, đầu sung và thu tập. Ngoài ra, từ trung kỳ triều Minh trở về sau còn có chuyện cưỡng bách dân làm binh, tuy nhiên đều là thiểu số, về mặt chính thức, "vệ sở chế" vẫn là quân chế chủ yếu. Vệ sở chế là tại yếu địa quân sự các địa phương toàn quốc thiết lập vệ sở trú quân, "vệ" có quân đội quy mô 5.600 người, bên dưới có các đơn vị như thiên hộ sở, bách hộ sở, tổng kỳ và tiểu kỳ, các vệ sở đều lệ thuộc ngũ quân đô đốc phủ, cũng là lệ thuộc Binh bộ, khi hữu sự được điều động, khi vô sự lại trở về vệ sở. Nguồn gốc của quân đội là quân hộ thế tập, do mỗi hộ phái một người làm "chính đinh" đến vệ sở làm binh, quân nhân trong vệ sở luân phiên phòng thủ và đồn điền, đồn điền đáp ứng nhu cầu của quân đội và tướng quan. Mục tiêu của là nuôi binh song không tiêu hao tài lực quốc gia, song từ thời Minh Tuyên Tông về sau thì không thể duy trì, mức sinh hoạt và địa vị của quân nhân ngày càng hạ thấp, binh sĩ đào ngũ dần gia tăng, quân bị do đó dần dần hư hỏng[68].

Con của Minh Thái Tổ là Minh Thành Tổ đã cho sửa chữa hệ thống phòng thủ phía bắc và xây dựng đội quân mạnh ở vùng đệm với Mông Cổ, tiến hành tiến đánh định kì vào Mông Cổ để làm tê liệt sức mạnh của họ. Ông thậm chí còn thành công trong việc buộc Mông Cổ trở thành một chư hầu Nhà Minh, và tiến hành cô lập người Mông Cổ. Thông qua chiến đấu, Minh Thành Tổ đã đánh giá cao tầm quan trọng của kỵ binh trong chiến trận và đã dành nhiều nguồn lực để phát triển nó. Minh Thành Tổ dành cả đời để đánh Mông Cổ, có cả thắng thua, tuy nhiên qua các cuộc chinh phạt này, biên giới nhà Minh được mở rộng và trong lần chinh phạt thứ 2 đã giúp cho Đại Minh có được hòa bình ở phía bắc trong 7 năm. Ông thực hiện 5 cuộc viễn chinh vào sa mạc Gobi và Siberia và nghiền nát những tàn tích còn sót của Nhà Nguyên, người Mông Cổ đã phải bỏ chạy xa về phía bắc.

Nhờ kế thừa những thành tựu khoa học mà người Mông Cổ mang về từ khắp nơi trên thế giới, nhà Minh có một quân đội có thể nói là đông đảo và trang bị tốt nhất thế giới trong thế kỉ XIV, XV. Mỗi đại đội bộ binh có 112 người, 40% mang giáo dài, 40% mang cung hoặc hỏa thương hoặc súng hỏa mai, 20% mang kiếm và khiên. Họ còn được hỗ trợ bởi kị binh nhẹ và đại bác.

Pháo đài Đại Cô Khẩu: Thiết pháo thời nhà MinhPháo ngựa kéo của quân MinhSúng cầm tay 5 nòng của quân Minh

Trong khi quân đội Nhà Minh thời kì đầu cực kì thiện chiến, đội quân này đã dần suy yếu sau cái chết của Minh Thành Tổ. Do hòa bình kéo dài nên việc huấn luyện trở nên chểnh mảng hơn, lứa quân sĩ giàu kinh nghiệm già dần rồi qua đời, lứa quân sĩ mới thì lại thiếu kinh nghiệm thực chiến. Sự tham nhũng của bộ máy quan lại cũng khiến quân đội nhà Minh suy yếu. Đồn điền vốn của quân sĩ tự cày cấy nuôi nhau bị các võ quan cao cấp và các địa chủ lớn tại địa phương chiếm làm của riêng, thu nhập của đồn điền không đủ nuôi binh sĩ[69]. Quân sĩ bỏ trốn rất nhiều, tính đến năm 1448, bộ Binh báo cáo lên triều đình, tổng số quân sĩ bỏ trốn phải xóa tên lên tới 66 vạn người, điển hình tại một Bách hộ ở Sơn Đông, trong tổng số 120 quân lính bỏ trốn gần hết chỉ còn lại 1 người. Ngoài ra, vũ khí trang bị cho quân đội nhà Minh cũng vừa thiếu vừa cũ, nhiều thứ bị hư hỏng[69]. Cuối cùng 60 vạn quân Minh đã bị quân Mông Cổ đánh bại trong "sự biến Thổ Mộc Bảo" vào năm 1449 thời Minh Anh Tông. Tuy nhiên, quốc lực nhà Minh lúc này vẫn còn rất mạnh nên quân Mông Cổ đã không thể đánh chiếm được Bắc Kinh và phải rút đi.

Để bù đắp cho chất lượng binh sỹ bị xuống cấp, nhà Minh rất quan tâm đến việc cải tiến trang bị, nhất là hỏa khí (súng cầm tay, đại bác). Có học giả nhận định kỹ thuật chế tạo hỏa khí Trung Quốc bắt đầu từ thời kỳ Đường – Tống, vào thời Minh đã phát triển đến trình độ rất cao. Hỏa khí thời kỳ này không chỉ đa dạng về chủng loại, mà kỹ thuật chế tạo và tính năng đều được nâng cao cực lớn. Tên lửasúng hỏa mai là các hỏa khí hạng nhẹ chủ yếu của quân đội triều Minh, mìn đã rất thịnh hành vào thời Minh, phát triển hỏa khí hình ống đặc biệt nổi bật. Trung kỳ triều Minh, phật lang cơ và hồng di đại pháo và các hỏa khí Tây Dương khác truyền đến, khiến triều Minh học hỏi ưu điểm nhắm mục tiêu của chúng, để cải thiện tính năng hỏa khí tự sản xuất. Đương thời, thời đại binh khí lạnh của Trung Quốc sắp kết thúc, thời đại hỏa khí đang đến, dù Trung Quốc có cơ hội bắt kịp trình độ kỹ thuật hỏa khí phương Tây, song quá trình này bị gián đoạn do triều Minh diệt vong[70]

Năm 1530, đã có một đề nghị cải cách, theo đó giảm bớt số lượng quân đồn trú bằng cách tăng cường trang bị những khẩu pháo nhỏ, mỗi khẩu do ba người vận hành, điều này sẽ giúp giảm đi gánh nặng quân số. Vài ngàn hỏa khí đã được sản xuất trong những năm sau đó nhưng sản lượng không đủ. Trong thời gian này, các hỏa khí truyền thống của Trung Quốc đã bắt đầu được thay thế bằng các loại vũ khí phương Tây. Những khẩu hỏa mai tân tiến được đưa vào vùng tây bắc Trung Quốc từ đế quốc Ottoman thông qua buôn bán đường biển, và vào các vùng đất khác trong những năm 1540 bởi hải tặc Nhật Bản, vốn sao chép chúng từ người Bồ Đào Nha. Những vũ khí này được người Trung Quốc gọi là “điểu thương” do cơ cấu điểm hỏa giống như con chim đang mổ xuống. Pháo Phật Lăng Cơ (Frankish cannon) có lẽ đã được người Trung Quốc thu được lần đầu tiên vào năm 1523 trên hai con tàu Bồ Đào Nha bị bắt, sau đó họ đã sản xuất loại pháo này vào năm 1529. Ban đầu, pháo Phật Lăng Cơ được dùng để gọi những khẩu súng nạp hậu làm bằng sắt gắn, nhưng thuật ngữ này sau này còn được dùng để gọi cả những khẩu pháo lớn nạp đạn đầu nòng và những phiên bản nhẹ và di động hơn làm bằng gỗ. Phương pháp sử dụng pháo cũng rất phức tạp: một ghi chép lịch sử địa phương tại Tô Châu dưới thời Sùng Trinh đã mô tả lại những người lính đã dùng kính viễn vọng để ngắm bắn cho pháo trong một trận chiến chống lại Lý Tự Thành. Tuy nhiên, do không được quan tâm đúng mức nên vào cuối thể kỉ XVI, pháo binh Trung Quốc đã lạc hậu hơn pháo binh hạng nặng ở châu Âu. Những khẩu pháo ở Trung Quốc chỉ còn được dùng để bảo vệ cho các bức tường thành, nơi mà tính di động và tốc độ bắn của chúng ít quan trọng hơn khi ở trên những chiến trường trống trải.

Trong những năm Gia Tĩnh, khi ứng phó loạn Oa khấu, tướng Thích Kế Quang tại khu vực Chiết Giang sử dụng phương thức chiêu mộ dân binh huấn luyện thêm, thay thế vệ sở binh không đảm đương nổi. Chính vì nguyên nhân quân chính quy là Vệ sở quân không đảm đương nổi, cho nên lực lượng dân binh đến hậu kỳ triều Minh dần dần đảm nhiệm vai trò bộ đội tác chiến duy trì sự thống trị hữu hiệu của triều đình, trong đó nổi tiếng nhất là Thích gia quân do Thích Kế Quang chiêu mộ chủ yếu từ người Chiết Giang, bộ đội tư nhân Liêu Đông thiết kỵ của Lý Như Tùng, và Quan Ninh thiết kỵ do Viên Sùng Hoán chiêu mộ chủ yếu từ người Liêu Đông[71]

Trong thời kỳ kháng Nhật viện Triều những năm Vạn Lịch, người Minh sáng tạo "thủy lôi chiến" đánh đắm chiến hạm Nhật Bản; "hỏa long xuất thủy" phát minh trong thế kỷ XVI là một loại tên lửa hai bậc dùng trong thủy chiến; thợ thủ công triều Minh thiết kế chế tạo mìn vỏ sắt sớm nhất trong lịch sử nhân loại; lục quân triều Minh từng được trang bị một loại "hổ tồn pháo", cũng là loại kỵ pháo binh đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có học giả cho rằng loại kỹ thuật này đi trước phương Tây khoảng 200 năm[72][73].

Trong những năm Vạn Lịch, người Nhật Bản cũng đi trước Trung Quốc về kỹ thuật hỏa khí, ưu thế của hỏa khí Nhật Bản từng có lúc khiến họ chiếm thế thượng phong trong chiến tranh tại Triều Tiên[74][75]. Nhà quân sự Thích Kế Quang cũng phê bình nhiều loại hỏa khí đương thời thực tế không có tính thực dụng, cho nên cần ngừng sản xuất để tránh lãng phí[76].

Có học giả chỉ ra rằng, Trung Quốc sử dụng binh khí nóng trước phương Tây 2 thế kỷ, song đến thế kỷ XV – XVI, do hòa bình lâu dài nên việc cải tiến kỹ thuật đình trệ, bị người Bồ Đào Nha vượt qua, về sau quân Thanh lợi dụng kỹ thuật và kinh nghiệm của triều Minh và phương Tây, nhiều lần cải thiện và chế tạo hỏa khí có uy lực hơn so với triều Minh, đến thời loạn Tam Phiên, kỹ thuật binh khí của Trung Quốc quay lại tiếp cận trình độ các quốc gia Tây Âu[77].

Thời kỳ sau

Lựu đạn ném tay của quân Minh

Những năm cuối nhà Minh, quan lại tham nhũng và bất tài đã làm suy yếu hệ thống quân sự “Vệ sở” của nhà Minh. Vào đầu thế kỉ XVII, quân đội nhà Minh đã trở nên thiếu đào tạo và kỉ luật, sức mạnh của họ ngày một giảm sút. Các sĩ quan tiếp tục ghi tên những người đã chết hoặc đã rời quân ngũ vào trong danh sách để tham nhũng tiền lương. Trong những năm 1560, chỉ có 3 vạn lính ở Tuyên Phủ chống lại cuộc xâm lược của Mông Cổ, trong khi con số trên giấy là 12 vạn. Martin de Rada đã đưa ra một danh sách quân đội nhà Minh vào cuối thế kỉ XVI, trên giấy tờ họ có tổng cộng 4.178.500 bộ binh và 780.000 con ngựa, rõ ràng là đã phóng đại quá xa thực tế.

Thời Gia Tĩnh, có vị quan đã miêu tả vệ sở như là “nguồn gốc của nhiều rắc rối. Họ nổi loạn và sẵn sàng tạo phản bất cứ khi nào triều đình chậm trả tiền cho họ… bất kì khi nào có chiến tranh, do lo sợ quân đội bị tổn thất, lính đánh thuê và dân binh được sử dụng để chống lại những bọn giặc cướp. Nói cách khác, dân thường được sử dụng để bảo vệ những người lính". Những người lính đánh thuê được tuyển mộ chủ yếu từ dân lang thang, trộm cướp. Do được tuyển mộ từ những vùng khác nhau, những đạo quân mang tính địa phương rất lớn. Những người đến từ Hồ Nam dễ kiểm soát nhưng lại hèn nhát. Trái lại, Mao Hồ Lô binh (毛葫蘆兵), những cựu thợ mỏ thì dũng cảm nhưng lại vô kỷ luật. Những người lính Tứ Xuyên vốn là những kẻ cướp, dễ bị thu hút bởi những đồ đạc bị kẻ thù bỏ lại. Sự đa dạng của các đơn vị khiến cho việc kiểm soát của trung ương rất khó khăn. Năm 1620, một báo cáo về quân đội tại Bắc Kinh mô tả: “Không thể dùng chúng để bảo vể kinh đô nếu chiến tranh nổ ra. Người ta nói triều đình không dám cải tổ chúng vì sợ chúng sẽ làm loạn. Họ cũng không dám đào tạo vì điều này cũng sẽ dẫn đến thảm họa tương tự".

Theo truyền thống, thủ cấp của kẻ thù được mang ra treo thưởng để tạo động lực cho binh lính chiến đấu, nhưng vào thể kỷ 17, việc này đã bị lạm dụng. Các tù nhân chiến tranh và thường dân vô tội thường bị binh lính tàn sát để lấy thủ cấp làm bằng chứng cho những chiến tích hư cấu. Điều này đã làm cho số lượng "kẻ thù" bị tiêu diệt tăng vọt so với sự thực, khiến triều đình đánh giá sai về tình hình thực tế. Năm 1640, hoàng đế Sùng Trinh đã cố gắng hủy bỏ hệ thống này nhưng đã quá muộn.

Năm 1644, Bắc Kinh rơi vào tay quân khởi nghĩa Lý Tự Thành, đây là một tổn thất nặng nề với nhà Minh. Tuy nhiên, nhà Minh không sụp đổ ngay lập tức. Một số người trong hoàng tộc đã được chọn để kế vị, kinh đô mới được đặt tại Nam Kinh. Triều đình Nam Minh ra đời. Nhưng sự yếu đuối của chính quyền mới là rõ ràng, nội bộ Nam Minh bị chia rẽ vì những tranh chấp giữa các thành viên hoàng tộc và các tướng lĩnh. Số quân Minh còn lại vẫn còn hàng trăm ngàn, nhưng đã không còn sức chiến đấu. Không có ngân sách và lương thực để nuôi quân đội, những đội quân này nhanh chóng đầu hàng hoặc đào ngũ trở thành những toán cướp. Quân đội Nam Minh đã nhanh chóng bị quân Mãn Thanh đánh tan tác, nhà Nam Minh sụp đổ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Minh http://www.ccnt.com.cn/china/history/history/ming/... http://www.china.com.cn/aboutchina/zhuanti/lddw/20... http://hxd.wenming.cn/kyjjcg/2009-08/12/content_39... http://china.chinaa2z.com/china/html/history%20and... http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-masters.... http://ctdsb.cnhubei.com/html/ncxb/20090307/ncxb64... http://news.ifeng.com/history/1/jishi/200812/1225_... http://cul.qq.com/a/20150201/012239.htm http://www.saohua.com/shuku/History/06%E3%80%8A%E6... http://www.mnsu.edu/emuseum/prehistory/china/later...